CHIẾN BINH CẦU VỒNG
Phan_11
Chúng tôi không được chứng kiến khán giả tung hô Mahar như thế nào. Chúng tôi cũng không được trông thấy những giọt nước mắt tự hào chảy giàn giụa trên khuôn mặt cô Mus và thầy Harfan. Chúng tôi thậm chí cũng không được nghe lời khen từ trưởng ban giám khảo vì đang ở xa chỗ đó quá. Ôi, ban giáo khảo đáng kính, cháu xin giải thích một điều: chúng cháu biết ơn chất nhựa tiết ra từ trái aren vì nhờ đó mà buổi biểu diễn “nghệ thuật” của chúng cháu mới thành công vang lừng đến thế, dù rằng chúng cháu ngứa điên lên từ cổ cho đến dưới bẹn, khiến chúng cháu như nhảy trên than ấy. Đó là lý do tại sao chúng cháu lại nhảy điên cuồng đến vậy. Và đó là sự lý giải cho nghệ thuật của chúng cháu đấy ạ.
Chúng tôi cũng không hay biết rằng vào ngay lúc đó thằng Mahar đang nhận chiếc cúp danh giá nhất cho tiết mục Biểu diễn nghệ thuật đặc sắc nhất trong năm - chiếc cúp mà chúng tôi hằng mơ ước. Ấy là lần đầu tiên một trường làng đoạt được chiếc cúp đó, chiếc cúp có thể giúp xua đi những lời gièm pha coi khinh trường tôi.
Chúng tôi cũng không biết tất cả những chuyện này bởi vì trong khi buổi lễ trao giải diễn ra, chúng tôi đang ngâm mình dưới cái ao bẩn thỉu đó, chà xát cổ bằng lá cây kèo nèo. Chúng tôi có thể hình dung thấy Mahar cười rạng rỡ khi cả trận mưa khen ngợi tung hô đổ xuống người nó từ trên cao. Còn chúng tôi thì dường như đang lãnh hình phạt thích đáng trong cái ao dơ dáy. Sau nhiều năm bị chúng tôi lôi ra làm trò cười, rốt cuộc Mahar cùng một lúc đạt được hai mục đích: trả thù chúng tôi, và một phần thưởng mà ai cũng phải thèm muốn. Nó là thiên tài. Đúng là nhất cử lưỡng tiện. Ắt hẳn đây là đòn trả thù ngọt ngào, rất ngọt - hệt trái bintang.
Chương 20 – Tương tư
VÀO MỘT SÁNG THỨ HAI đặc biệt, sau nhiều năm chịu nhiều bất hạnh, lần đầu tiên Trường Tiểu học Muhammadiyah nở nụ cười.
Chúng tôi tổ chức một buổi lễ nho nhỏ trước tủ kính trưng bày. Dường như nó cũng hòa cùng niềm vui với chúng tôi vì lần đầu tiên được trưng bày một thứ đáng giá đích thực như thế: chiếc cúp.
Ngày hôm trước, trưởng ban giám khảo lễ hội hóa trang đã trao chiếc cúp đó cho Mahar, kết thúc bốn mươi năm cứ ở mãi trong tủ trưng bày trường PN.
Trái lại, với một trường làng Muhammadiyah có mặt ngót nghét một thế kỷ nay - trường lâu đời nhất ở đảo Belitong, thậm chí khắp Sumatra nữa - thì đây lại là lần đầu tiên đoạt cúp. Thầy Harfan cử cậu học trò đặc biệt đã làm nên sự kiện lịch sử này mang trọng trách danh dự là đặt chiếc cúp vào trong tủ trưng bày. Chiếc cúp đó giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về tài năng của Mahar. Nó xứng đáng được tôn trọng. Do vậy mà tình cảm của chúng tôi dành cho nó tăng lên đáng kể. Tính tình kỳ quặc của nó không thành vấn đề nữa, điều quan trọng bây giờ là nó là một thiên tài. Đó là điều chúng tôi cần nhìn nhận đầu tiên và trước hết và có thể đấy cũng là cách người ta nên nhìn nhận giới nghệ sĩ. Chúng tôi tự cho mình bình thường hơn nó, hay chúng tôi cảm thấy mình thật thà hơn và trung thực hơn, vậy mà chúng tôi chưa hề đòng góp dù chỉ là một thành tựu đáng kể cho trường mình. Vậy nên mặc dù tính tình lập dị, vẻ ngoài không giống ai, dù quan điểm và phương pháp của nó loạn xà ngầu, Mahar vẫn là người đầu tiên trong lịch sử làm nên điều gì đó phi thường cho trường chúng tôi. Nó là anh hùng khiến người ta phải suy nghĩ kỹ càng trước khi xem thường trường chúng tôi, và chúng tôi biết ơn nó vì điều đó. Tôi nghĩ có lẽ đây là điều mọi người gọi là đánh giá cao.
Buổi tiệc mừng khép lại bằng một tấm ảnh chụp. Chúng tôi xúm xít xung quanh tủ kính trưng bày, cười toe toét, và bạn có thể đoán được ai cười to nhất rồi đấy - đúng rồi, Harun. Cô Mus đã cố ý gọi một thợ ảnh chuyên nghiệp đến chụp để chúng tôi có thể cho ông Samadikun thấy rằng chúng tôi cũng đoạt cúp.
Cô Mus đã hứa với chúng tôi, với tư cách cá nhân cũng như thay mặt nhà trường, rằng nếu chúng tôi đạt được điểm thi tuyệt đối hay thắng một giải thưởng đặc biệt nào, cô sẽ thưởng cho chúng tôi - phần thưởng do chúng tôi tự chọn miễn là nằm trong khả năng của cô. Quỵền chọn phần thưởng giờ thuộc về Mahar.
“Em thích gì nhất, Mahar?”
Mahar vui không thể nào tả xiết. Nó mở cặp lấy mảnh giấy cuộn tròn.
“Thế em muốn cô thưởng gì nào?” cô Mus hỏi.
Mahar mở tờ giấy ra; miệng cười toe khi cho chúng tôi thấy tấm ảnh Lý Tiểu Long trong thế võ rồng nổi giận với ba vết cào nằm song song trên ngực và cây côn nhị khúc sẵn sàng choảng vào đầu kẻ thù. Chúng tôi hiểu Mahar muốn gì rồi. Nó đã nhiều lần nài nỉ cô Mus cho treo ảnh Lý Tiểu Long lên tường lớp học, và lời thỉnh cầu đó hết lần này đến lần khác đều bị cô Mus gạt phắt đi. Giờ cơ hội ngàn vàng đã đến, giờ nó có quyền đòi cô phải thực hiện.
Cô Mus sững người, “Em không thích thứ gì khác sao Mahar?”
Mahar lắc đầu.
“Em chắc không? Chắc là không có lời thỉnh cầu nào khác chứ?” cô Mus nói, giọng hơi thất vọng.
Mahar lại lắc đầu.
“Ví dụ như được miễn tưới hoa trong một tháng chẳng hạn?”
Mahar vẫn lắc đầu.
“Hay không phải đi mua phấn?”
Mahar lại lắc đầu lần nữa và cười cười với tôi. Tôi cũng cười lại với nó đồng lõa, cố khiến cô Mus miễn nhiệm vụ mua phấn cho những đứa khác. Chuyển nhiệm vụ ấy sang cho tôi: tôi tình nguyện! Tôi xung phong làm nhiệm vụ ấy với cả hai tay hai chân luôn!
Co Mus suy đi tính lại xem lời thỉnh cầu của Mahar có được liệt vào danh sách những điều nằm trong khả năng của cô không. Cô cũng ý thức được lời hứa của một cô giáo dành cho học trò quan trọng như thế nào. Cô không thể xem nhẹ một việc như thế này được. Một bên giữ lời hứa và đánh giá cao, bên kia là tán thưởng sự lập dị. Cô Mus đang lâm vào tình huống tế nhị đòi hỏi phải cư xử sao cho khéo léo. Khó khăn thật.
“Định mệnh có tính xoay vần, thưa cô. Cô phải tin rằng một ngày nào đó tấm áp phích Lý Tiểu Long sẽ có ích.” Và như thế - bình tĩnh, triết lý và ngây thơ - Mahar thuyết phục cô Mus. Cô Mus sững sờ. Thực lòng cô muốn gạt bỏ lời thỉnh cầu của Mahar không muốn treo áp phích môt võ sĩ đang trong tư thế dữ dằn lên tường lớp học. Cô cố điều đình với Mahar. Hai cô trò thì thào với nhau.
Ngày hôm sau, khuôn mặt của Lý Tiểu Long xuất hiện trên tường lớp học, ngay bên trên tấm bảng. Nhưng trông anh khác rồi. Anh không trong một thế võ ghê gớm. Anh cười trong bộ trang phục Trung Quốc truyền thống. Nụ cười của anh thanh thản giống như nụ cười của nam ca sĩ Rhoma Irama trên tấm áp phích Cơn mưa tiền treo ngay bên cạnh.
Thật lạ lùng - võ sư kungfu và ca sĩ lừng danh dòng nhạc dangdut giờ ngự cả trong phòng học của chúng tôi.
Sau khi nhìn thật kỹ, tôi nhận thấy có một điểm giống nhau giữa họ: cả hai đều có đôi mắt u buồn đầy quyết tâm chống lại tất cả những điều xấu xa trên trái đất này. Rất ấn tượng.
Những điều tốt có khuynh hướng sản sinh nhiều điều tốt hơn, như một ngạn ngữ của người Mã Lai. Và đúng như vậy - sự có mặt của chiếc cúp đó khiến chúng tôi lên tinh thần rất nhiều. Một điều tốt khác nữa là chúng tôi có nhận được một món tiền nhỏ kèm theo giải thưởng Lễ hội hóa trang đó, giúp chúng tôi đáp ứng yêu cầu của ông Samadikun về việc mua tấm bảng mới và tủ sơ cứu y tế. Cô Mus cho vào tủ sơ cứu y tế những viên thuốc APC và thuốc chiết xuất từ sâu. Số tiền còn lại được dùng đặt mua một tấm ảnh Tổng thống, Phó Tổng thống và quốc huy Garuda Pancasila từ cửa hiệu Cahaya Abaadi, có nghĩa là Ánh sáng vĩnh cửu - cửa hàng chuyên bán thiết bị cho những trường kiểu mẫu ở Tanjong Pandan.
Khoảng thời gian sau khi chúng tôi nhận cúp thật vui biết bao. Chúng tôi thường ngồi ngắm nó mải mê hàng giờ, có thể nói về nó vào bất kỳ lúc nào ở bất kỳ nơi đâu. Chúng tôi cười hạnh phúc xung quanh nó, nhưng ngay trong giai đoạn phởn phơ đó, tôi vẫn thường cảm thấy lòng mình trống rỗng.
Những ngày đó, tôi cảm thấy cô đơn giữa đám bạn đang hoan hỉ nô đùa. Tôi thường tách ra khỏi chúng, ngồi một mình dưới tán cây filicium, không muốn trò chuyện cùng ai và không muốn đứa nào ngồi cạnh. Ý nghĩ của tôi vẩn vơ thoát khỏi tán cây filicium, bay bổng và hòa quyện vào những đám mây như thể chúng lạc mất đường. Tôi thậm chí không hiểu nổi bản thân mình, luôn mơ mơ màng màng như thế, không buồn ăn, không ngủ được. Tôi vướng vào một thứ cảm giác lạ lùng chưa từng có. Tôi đã biến thành một chú nai nhỏ đứng nằm không yên. Tôi biết mọi điều tôi nghĩ sẽ bị lộn tùng phèo hết cả bởi một từ mới - cái từ khiến cuộc sống của tôi chao đảo: tương tư.
Ngày nào tôi cũng bị nỗi tương tư về cô gái nhỏ với những móng tay xinh đẹp đó tấn công. Tôi cảm thấy lúc nào cũng như nghẹt thở. Tôi mong mỏi được trông thấy khuôn mặt cô, những móng tay mượt mà của cô, nụ cười của cô khi cô nhìn tôi. Tôi thậm chí còn mong được trông thấy đôi dép mộc, mái tóc buông lơi trước trán, cách cô nói âm “r”, và cách cô xắn tay áo thật tỉ mỉ.
Tôi sớm hiểu rằng tôi không thuộc kiểu người chịu được nỗi tương tư giày vò. Vậy nên tôi nghĩ thật lung tìm cách làm vơi đi sự nặng trĩu trong lòng. Sau khi nghiền ngẫm nhiều phương sách khác nhau, cuối cùng tôi đi đến kết luận rằng chỉ có đi mua phấn thì nỗi tương tư của tôi mới nguôi đi được. Và chuyện này, chỉ có cô Mus mới có thể giúp tôi được, cô là niềm hy vọng duy nhất của tôi.
Tôi hết lời van xin cô Mus cho một mình tôi đảm nhận nhiệm vụ mua phấn. Tôi thương lượng với lũ bạn để tụi nó nhường nhiệm vụ mua phấn cho tôi. Tôi thậm chí tiếp cận lớp trưởng Kucai, và viện đến trưởng nhóm Chiến binh Cầu vồng, Mahar, nhờ giúp đỡ.
Chỉ cần đút lót hai gói kẹo me là thằng Kucai sẵn sàng thay đổi bảng phân công mua phấn đã được lên từ đầu năm. Nó, cũng giống như hầu hết chính trị gia tại đất nước này, thật dễ mua. Bảng phân công giờ chỉ còn lại một cái tên, tên tôi: Ikal. Từ tháng Một cho đến tháng Mười hai, chỉ độc mỗi tên tôi. Trong lớp chẳng đứa nào hé môi phản đối, chúng cực kỳ sung sướng khi không phải đạp xe 30 cây đến cái cửa hàng bốc mùi đó gặp ông chủ A Miauw đáng ghét để mua phấn. Do vậy chẳng cần vất vả lắm tôi vẫn xoay xở để bảng phân công chỉ còn lại mỗi tên tôi. Nhưng, bạn tôi ơi, tôi lại nhìn nhận chuyện này theo cách khác. Trong mắt tôi, nỗ lực để trở thành người duy nhất gánh trách nhiệm mua phấn là một cuộc chiến phải trả bằng máu và mồ hôi. Tôi phóng đại cho bất kỳ ai nghe tôi kể rằng tôi phải mất những ba tháng và một bao kẹo me hối lộ Kucai để nó giao đứt nhiệm vụ mua phấn cho tôi, trong khi thực ra tôi chẳng mất nhiều đến thế. Bạn tôi ơi, tình yêu khiến tôi trở thành một đứa lãng mạn vô phương cứu chữa. Nếu cần, tôi nguyện bán cả linh hồn để trở thành người mua phấn. Tất cả những kịch tính thêm thắt này khiến tôi thấy cô gái đó thậm chí trở nên đẹp hơn rất nhiều. Tôi thật may mắn biết bao khi được gần cô mỗi bận đi mua phấn!
Cô Mus trợn tròn mắt khi thấy tôi đột nhiên hăng hái với nhiệm vụ mua phấn. “Chẳng phải em ghét nhiệm vụ này hơn bất kỳ bạn nào hay sao? Trời ạ, chẳng phải em luôn miệng bảo cái cửa hàng đó thật ghê tởm hay sao?”
Tôi đỏ bừng mặt. Trớ trêu thay, tôi đã tìm thấy ý nghĩa của sự trớ trêu. Đó chẳng phải vì Sinar Harapan tỏa ra mùi hương thơm ngát gì cả; chỉ đơn giản là vì công chúa Sa mạc Gobi đang đợi tôi ở đó. Vậy nên, sự trớ trêu không thuộc về bản chất, nó nằm ở sự đền bù. Đó là bản chất thực của sự trớ trêu, không hơn không kém.
Cô Mus không muốn tranh cãi với tôi. Chắc chắn là bản năng cô có được sau ngần ấy năm làm nghề dạy học đang rung lên những hồi chuông trong đầu cô, cảnh báo rằng đứa học trò của cô có sự thay đổi đột ngột trong lòng là vì nguyên nhân nào đó liên quan đến cinta monyet - tình yêu trẻ con, hay tình yêu bồng bột. Nhưng với tình yêu thương vô bờ bến kèm theo nụ cười kém hài lòng, cô lắc đầu chặc lưỡi chấp nhận.
“Miễn em không làm mất phấn nữa là được. Em nên biết rằng phấn được mua từ số tiền do cộng đồng Hồi giáo đóng góp đấy.”
Syahdan và tôi ngay lập tức trở thành cạ cứng trong nhiệm vụ mua phấn. Tôi chịu trách nhiệm mua, Syahdan không cần phải đạp xe; nó chỉ cần ngồi đằng sau cầm hộp phấn cho chặt và không được hé môi, vậy là đủ rồi. Hai đứa tôi tận hưởng cảm giác hồi hộp khi che giấu một bí mật.
Đương nhiên, nhờ có tôi đề xuất với cô Mus, Syahdan luôn đồng hành cùng tôi. Nó sung sướng khi được nghỉ học và cũng được thoải mái trêu chọc những đứa con gái con mấy chủ tiệm hok lo pan.
Khi chúng tôi đến Sinar Harapan, tôi nhanh chóng đi vào cửa hiệu hôi hám đó và đứng im giữa cả một đại dương hàng hóa. Tôi xoa dầu khuynh diệp vào mũi hòng làm át đi cái mùi kinh tởm bốc ra từ đây. Tôi quệt mồ hôi trên trán sốt ruột đợi đến khoảnh khắc diệu kỳ khi A Miauw gọi cô chim sẻ nhỏ đuôi trắng đằng sau tấm rèm ốc lấy phấn.
Tôi đến gần ô cửa chuồng chim câu. Cô chìa tay ra. Tim tôi cứ như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Cô vẫn không nói lời nào, cứ im như thóc thế, và tôi cũng vậy. Nhưng cô không vội rụt tay lại như mọi bận. Cô cho tôi cơ hội chiêm ngưỡng những móng tay của cô. Chỉ cần thế thôi cũng đủ cho tôi hạnh phúc cả tuần sau đó.
Và cứ thế hết tháng này qua tháng khác. Mỗi sáng thứ Hai, tôi có thể gặp nửa còn lại của trái tim mình, mặc dù chỉ qua một bộ móng tay. Và mối quan hệ giữa chúng tôi đã tiến triển trong chừng mực như thế. Không chào hỏi, không nói với nhau lời nào, không trò chuyện mặt đối mặt, chỉ hai trái tim thủ thỉ cùng nhau qua những móng tay thần thánh. Tình yêu của chúng tôi là một tình yêu không thành lời, một tình yêu giản dị, một tình yêu rất e ấp, nhưng rất đẹp, không lời nào có thể miêu tả.
Có lúc cô gõ gõ ngón tay, có lúc lại trêu tôi, không chịu buông hộp phấn khi tôi đón lấy, cứ như chúng tôi đang chơi trò kéo co vậy. Cô thường nắm chặt tay lại; có thể cô muốn hỏi, “Sao hôm nay đến muộn thế?”
Tôi hét lần này đến lần khác rắp tâm cầm tay cô, hay nói với cô rằng tôi nhớ cô quá thể. Nhưng cứ mỗi lần trông thấy móng tay cô, những lời chuẩn bị đâu ra đấy bỗng bay đi, lẫn vào mùi mồ hôi từ những người Sawang bốc ra. Tất cả dũng khí của tôi biến mất tăm dưới đống đậu jengkol. Những móng tay ấy có một sức mạnh thần kỳ đến nỗi khiến tôi mê mụ như bị bỏ bùa. Sau mỗi lần gặp, tôi phải khốn khổ suốt một tuần, nhưng sự khốn khổ đó xen lẫn niềm hạnh phúc lạ lùng, cả niềm mong nhớ bóp nghẹt trái tim tôi vào giây phút cô rụt tay trở vào ô cửa nhỏ.
Nếu có bất kỳ điều gì thế giới này không bao giờ có đủ thì đó là tình yêu. Thời gian trôi qua, trái tim tôi ngày càng có những nhịp đập bất thường. Tôi không thể chịu nổi nếu không được nhìn thấy bộ móng tay yêu kiều của cô trong cả tuần. Vậy nên tôi thường thó nhiều viên còn dùng được, và rồi hoặc lén chôn chúng dưới cây filicium hoặc mang cho Harun, cậu cực thích phấn. Thế là, cứ đến thứ Năm lại hết phấn, và tôi sẽ lại đến cửa hàng vào sáng thứ Sáu. Tôi sung sướng không tả xiết khi rút ngắn được ba ngày chờ mong.
Tuy nhiên, cứ về trường từ cửa hàng mua phấn là tôi thấy khó ở trong lòng. Tôi cố bù lại hành động gian dối của mình bằng việc quét lớp, cắt cỏ, tưới hoa dù không được sai bảo gì, rồi hì hụi rửa xe đạp cho cô Mus và cả mấy đứa trong lớp nữa. Hành động của tôi khiến mọi người cứ mắt tròn mắt dẹt há hốc mồm ra nhìn. Cinta monyet thật không thể hiểu nổi!
Đã hai mùa trôi qua, người Sarong đã ra khơi đánh cá hai lần rồi, vậy mà tôi vẫn chưa biết được tên của cô gái nhỏ có những móng tay đẹp đó.
Nhiều lần tôi cố lấy hết dũng khí hỏi cô. Nhưng khi cô đưa tay ra, họng tôi nghẹn lại không thốt ra lời. Vậy nên tôi giao cho Syahdan tìm hiểu. Công việc đó khiến nó sướng rơn lên - nó giống như một điệp viên Mã Lai, chuyên rình mò nghe trộm thông tin.
“Tên nó là A Ling!” nó thì thào trong khi chúng tôi đang đọc kinh Koran ở thánh đường al-Hikmah. Tim tôi rộn ràng.
“Nó học ở trường quốc gia đấy!”
Bụp! Kopiah - mũ truyền thống - của Taikong Razark đập vào kệ sách kinh Koran của Syahdan.
“Cư xử đúng mực trước sách kinh đi, nhóc!”
Syahdan ngần ngừ rồi tiếp tục đọc kinh. Trường quốc gia là trường đặc biệt dành cho con em người Hoa. Tôi nhìn Syahdan chăm chăm ra chiều nghiêm trọng.
“A Ling là em họ của A Kiong!”
Tôi có cảm giác như vừa nuốt phải hạt rambutan, to cỡ quả nho, và nó không trôi mà đứng chặn ngang họng. A Kiong, đứa đầu hình hộp đó! Thế quái nào mà thằng đó có cô em họ với những móng tay đẹp tuyệt trần ấy nhỉ?
Hình ảnh A Kiong ngay lập tức hiện lên rõ mồn một trong đầu tôi. Mấy ngày qua nó phải đứng suốt buổi học bởi có đến những năm cái nhọt mọc ngay mông, khiến nó không thể ngồi được. Nhưng nó vẫn cứ đến lớp như thường.
Tôi không thể tả nổi cảm giác của mình trước cái tin nóng hổi ấy. Chuyện A Ling là em họ của A Kiong khiến tôi vừa mừng vừa lo. Syahdan và tôi thảo luận nghiêm túc nên đối phó thế nào với chuyện này.
Rốt cuộc, chúng tôi đi đến kết luận rằng chúng tôi phải tiết lộ câu chuyện cho A Kiong biết. Nó là đứa duy nhất có thể chọc thủng chiếc rèm ốc bí ẩn nơi cửa hàng Sinar Harapan ấy.
Chúng tôi lôi thằng A Kiong đến vườn hoa sau trường rồi cùng ngồi xuống chiếc ghế băng nhỏ gần khóm Beloperone và râm bụt nở bừng, một chốn hoàn hảo để nói chuyện tình yêu.
A Kiong lắng nghe chăm chú câu chuyện của tôi, nhưng nó không phản ứng gì. Gương mặt nó không hề thay đổi. Câu chuyện không lọt được chút nào vào đầu nó. Ánh nhìn của nó trống rỗng. Tôi đoán rằng A Kiong chẳng biết yêu là gì cả.
“Chỉ đơn giản thế này thôi, A Kiong,” tôi nói gấp gáp “Tao sẽ đưa mày thư để chuyển cho A Ling. Khi nào mày đi lễ chùa mà gặp cô ấy thì đưa giúp tao, hiểu không?”
Nó nhướng mày lên, mái tóc dựng ngược cộng với khuôn mặt béo tròn khiến nó trông buồn cười hơn mọi ngày. Khi nó thôi nhướng mày, hai cái má phúng phình của nó chảy xuống theo, rung rinh thật khôi hài. Nó là đứa có khuôn mặt kỳ cục nhưng nhìn lại thấy thích.
“Sao mày không tự đưa cho nó, chẳng phải sáng thứ Hai nào mày cũng gặp nó hay sao? Vô lý!”
A Kiong thực ra không nói thế, nhưng cái trán nhăn lại của nó nói thế. Tôi cũng trả lời lại nó theo lối thần giao cách cảm, “Này, cái cậu Phúc Kiến kia, tình yêu có khi nào có lý đâu?”
Hít một hơi thật sâu, tôi quay người đi và nhìn xa xăm ra ngoài sân trường. Tôi hành động như thể đang diễn kịch. Tôi nhặt vài chiếc lá Dracaena, vò nát trong tay và rồi tung cả lên trời.
“Tao ngượng, A Kiong. Ở bên cạnh cô ấy, tao cứ đờ người đi ấy. Tao như bị thôi miên, mà bị thôi miên thì đâu có xoay xở kịp nếu có chuyện gì xảy ra. Nếu cha cô ấy bắt gặp, tao thậm chí không hình dung nổi hậu quả sẽ như thế nào nữa!”
Tôi đã bắt chước những lời lẽ bay bướm đó từ Aktuil, một tạp chí anh trai tôi đặt mua dài hạn. Có thể tôi sử dụng không được thích hợp lắm nhưng tôi mặc kệ.
Khi nghe câu nói giống trong mấy vở kịch trên radio (thời đó rất thịnh hành), Syahdan ôm lấy cây petai cina bên cạnh nó. Tôi hết lời giải thích cho thằng A Kiong hiểu rằng, trong thế giới tình yêu, gởi thư lãng mạn hơn nhiều vì những lá thư sẽ khiến đối phương bất ngờ.
Tôi đoán thằng A Kiong cảm nhận được giọng nói đầy tuyệt vọng của tôi. Nó không phải đứa sáng dạ nhưng là bạn tốt. Miễn là nó có thể, nó không bao giờ từ chối một đứa bạn đang cần sự giúp đỡ. Những lời lẽ cải lương của tôi khiến nó mềm lòng.
A Kiong cười và tôi cúi chào nó hệt một tiểu hòa thượng trên chùa Thiếu Lâm xin phép sư phụ cho ra ngoài để dẹp loạn. Nhưng vốn có bản chất con buôn, nó đòi hỏi phải có đáp trả xứng đáng. Và tôi không nề hà chuyện làm hộ nó bài tập toán về nhà.
Thông qua A Kiong, những bài thơ tình của tôi không ngớt bay tới chợ cá. Ấy là một công việc dễ như bỡn đối với A Kiong, và nó bắt đầu phởn phơ với điểm toán ngày một tiến bộ của mình. Mối quan hệ giữa tôi, A Kiong và Syahdan là một kiểu quan hệ ba bên cùng có lợi, kiểu như chim sáo đá đậu trên lưng trâu vậy. A Kiong hoàn toàn không ý thức được rằng hành động của nó tiềm ẩn một sự xung đột khủng khiếp giữa nó và chú nó, ông A Miauw.
Tôi luôn hối thúc A Kiong kể tôi nghe A Ling trông như thế nào khi cô nhận những bài thơ của tôi.
“Như vịt trông thấy ao nước ấy,” nó trả lời với giọng bỡn cợt đôn hậu.
Vào một tối đẹp trời tháng Bảy, tôi ngồi trên một tảng đá tròn trong vườn hoa và làm một bài thơ:
Hoa cúc
A Ling ơi, hãy ngước nhìn lên bầu trời
Những chùm mây trắng xóa đang trôi lững lờ về phía em
Đó chính là những đóa hoa cúc anh dành tặng em
Khi cho bài thơ vào bì thư, tôi mỉm cười. Tôi không tin nổi mình có thể viết được một bài thơ như thế. Có lé tình yêu có sức mạnh giúp cho nhiều điều được hé lộ, ví dụ như những khả năng hay những cá tính tiềm ẩn, những thứ nằm bên trong chúng ta mà chúng ta không hề biết.
Chương 21 – Lễ giật đồ MUJIS, người phun thuốc diệt muỗi trông hệt phi hành gia, bảo chúng tôi rằng hôm nọ, lúc phun thuốc diệt muỗi ở văn phòng khảo sát PN anh trông thấy một bản đồ khai thác thiếc lớn.
“Ba máy xúc đang tiến về phía ngôi trường này!” anh ta nói giọng chắc như đinh đóng cột.
Mujis thậm chí có thể gọi tên các IB.
“IB 9, IB 5, IB 2.”
IB là cách nói địa phương cho EB, emmer bager, tiếng Hà Lan có nghĩa là máy xúc.
Cái tin do Mujis mang đến thật khủng khiếp vì bất kỳ thứ gì nằm trên đường đi của chúng chắc chắn sẽ bị giật đổ. Nhưng cũng như mọi lần, cô Mus lại lên tinh thần cho chúng tôi. Cô bảo chúng tôi hãy nguyện cầu để không có gì tồi tệ xảy đến với chúng tôi. Chúng tôi ngay lập tức quên béng đi mối đe dọa từ mấy cái máy xúc. Nhất là tôi, vì tâm trí tôi đang bận rộn với một cái tin thậm chí còn bất ngờ hơn.
Chuyện là như thế này. Hôm nay trên đường về trường sau khi mua phấn xong, trong khi tôi đạp xe, Syahdan đọc dòng chữ dưới đáy hộp phấn nó đang cầm trong tay: Gặp tớ tại Chiong Si Ku.
Cái gì? Một tin nhắn của A Ling! Chắc chắn đó là chữ viết của A Ling rồi! Tin nhắn được viết bí mật bên dưới hộp phấn đó khiến tôi mất tay lái, chiếc xe loạng choạng rồi đâm bổ xuống con mương. Tôi cố cứu lấy hộp phấn và dòng chữ quý báu ghi trên đó. Hết lần này đến lần khác cô Mus thất vọng vì tôi không gìn giữ hộp phấn cẩn thận. Syahdan và tôi ngã nhào xuống dòng nước bùn đen ngòm. Phấn không sao nhưng chúng tôi ướt nhẹp hết cả.
Syahdan phát khùng lên. Tôi hơi hoảng khi nó tỏ ra như thế, nhưng cũng lại thấy thật buồn cười. Tất cả những gì tôi có thể trông thấy chỉ là hai con mắt trắng dã của nó, vì người nó từ đầu tới chân nhuộm bùn đen hết cả. Hai đầu gối tôi rớm máu.
Khi chúng tôi về đến trường, tôi lấy phấn ra khỏi hộp và cho hết vào một chiếc hộp khác để có thể mang dòng tin nhắn của A Ling về nhà.
Về nhà, tôi đọc đi đọc lại mẩu tin. Tin nhắn đó dù đọc như thế nào vẫn mang một nghĩa duy nhất: cô muốn gặp tôi. Đọc ngược từ phải qua trái như trong tiếng Ả Rập, đọc xuôi từ trái qua phải, từ trên xuống, từ xa tới, hay đọc thật gần. Soi gương, đánh bóng bằng sáp nến, rọi kính lúp, bên bếp lửa, rắc bột mì lên trên, chổng mông lên kẹp đầu giữa hai đầu gối rồi đọc nó phía sau hai chân, nhìn thật lâu như đang xem một bức ảnh 3D. Tin nhắn vẫn mang duy một nghĩa: Gặp tớ tại Chiong Si Ku. Được viết bằng Indonesia dễ hiểu, không dùng thành ngữ, không mang tính khoa học, không úp mở, hay dùng ký hiệu hay mật mã gì. Chỉ là tôi không thể tin được. Nhưng cuối cùng tôi cũng đi đến kết luận rằng, tôi, Ikal, sẽ sớm được gặp tình yêu đầu đời của mình! Đó là điều không thể bàn cãi gì nữa, cứ để cả thế giới này mặc sức ghen tị.
Chiong Si Ku hay Lễ giật đồ là một lễ hội thường niên đến bây giờ vẫn còn được tổ chức. Ấy là một dịp vui cho tất cả người Hoa ở Belitong gặp gỡ tiệc tùng. Mọi thành viên trong gia đình đều có mặt và bà con của họ từ khắp nơi ở Indonesia cũng trở về Belitong tham dự. Mọi người đều mong đến dịp này. Có nhiều hoạt động giải trí khác nữa được gắn vào nghi thức tôn giáo cổ truyền này, như leo cột, đu quay, và nhạc Mã Lai. Chiong Si Ku đã phát triển thành một sự kiện văn hóa được quan tâm nhất ở đảo này. Mọi cộng đồng đều đến vui chơi và hưởng ứng sự kiện này: người Hoa, người Mã Lai, người Sarong, người Sawang.
Trung tâm của Lễ giật đồ là ba chiếc bàn lớn, mỗi bàn dài mười hai mét, rộng hai mét, cao hai mét. Trên bàn đặt hàng chồng đủ mọi thứ do người Hoa mang tới - vật dụng trong nhà, đồ chơi và nhiều mòn ăn. Có ít nhất 150 thứ, nào xoong chảo, radio bán dẫn, nào ti vi trắng đen, bánh ngọt, bánh quy, nào đường, cà phê, gạo, thuốc lá, nào vải vóc, nào xì dầu, nước ngọt, xô chậu, kem đánh răng, xi rô, lốp xe, chiếu, nào túi xách, bánh xà phòng, nào dù, áo khoác, khoai lang, áo sơ mi, thùng, nào quần dài, xoài, ghế nhựa, pin và nhiều sản phẩm làm đẹp khác chất cao như núi trên những cái bàn rộng. Vào lúc nửa đêm, sẽ có đủ thứ cho tất cả mọi người lấy, nói chính xác hơn là giành giật lấy. Đó là lý do tại sao người ta còn gọi Chiong Si Ku là Lễ giật đồ.
Thứ người ta muốn lấy nhất là một cái túi nhỏ màu đỏ có tên gọi là fung fu, được giấu dưới mấy núi đồ đó. Ai cũng muốn giành được fung fu vì nó biểu tượng cho may mắn. Bất kỳ ai tìm thấy cái túi may mắn đó đều có thể bán lại cho cộng đồng người Hoa với giá hàng triệu rupi.
Ba chiếc bàn đươc đặt trước Thai Tse Ya, một điện thờ ma vương làm bằng tre và giấy màu sặc sỡ. Cao năm mét và vòng bụng dài hai mét. Con ma bằng giấy đó nhìn thật đáng sợ. Mắt nó to như hai quả dưa hấu. Cái lưỡi dài thè ra nhìn trông như muốn liếm chỗ thịt ngậy mỡ đang đươc nướng bên dưới. Thai Tse Ya biểu tượng cho những đặc tính xấu của con người và cho cả sự xui xẻo. Suốt cả ngày đêm, người theo đạo Khổng tử khắp Beliong đổ về quỳ lạy xì xụp trước Thai Tse Ya.
Thai Tse Ya đứng đối diện điện thờ, và tôi định sẽ gặp A Ling nơi hành lang điện thờ đỏ chói đó.
A Kiong và gia đình nó vào sân điện thờ để cầu nguyện. Nó nháy mắt cười với tôi. Tôi cố gượng cười đáp lễ vì đang rất căng thẳng. Tôi đang mải chìm trong suy nghĩ về chuyên một cô gái người Hoa sẽ nghĩ gì về đứa con trai thuộc một ngôi làng Mã Lai như tôi. Ở chỗ của họ tôi thấy mình không được thoải mái. Liệu bỏ về có phải là cách tối ưu không? Không, niềm mong mỏi trong tôi tựa như một vết thương đang rỉ máu.
Tôi đợi A Ling suốt từ sau buổi cầu nguyện tối. Người đi xem lễ nô nức kéo đến ngày một đông và đã có rất nhiều trò riêu khiển. Không thấy bóng dáng cô đâu - có thể tôi đến quá sớm. Lẽ ra tôi nên tới muộn hơn, hay không đến luôn cho xong.
Siêu sao của nghi lễ chộp giật là người Sawang. Thiếu họ, buổi lễ sẽ mất đi không khí hào hứng. Năm nào họ cũng thành công vì sự tổ chức chặt chẽ của mình. Tối xuống là họ đã cất công nghiên cứu vị trí của những thứ có giá trị, những góc mà từ nơi đó họ có thể tấn công, và số người họ cần bao nhiêu là đủ.
Những người to con hơn được giao nhiệm vụ chặn các nhóm khác lại để cho những người nhỏ con hơn có thể nhảy thốc lên bàn. Những người còn lại lủi nấp dưới bàn, chờ hứng lấy bất kỳ món đồ nào rơi xuống. Nhóm của họ có chừng hai mươi người.
Tôi đã đợi được hai tiếng. A Ling vẫn chưa thấy đâu. Hàng ngàn người xem và hàng trăm người tham gia đã kéo đến chật cứng nơi sân chùa. Những tiết mục dangdut bắt đầu được trình diễn. Đu quay đong đưa cao vút tận trời xanh. Những người bán hàng rong cất tiếng rao lảnh lói chào mời. Không khí thật sống động vui tươi. Những người bán bong bóng rung chuông nghe thật chói tai, khiến tôi càng nóng ruột tợn.
Không khí lại càng huyên náo khi một vài người Sarong lục tục kéo đến. Họ quấn khăn đầu hệt những ninja, chỉ thấy mỗi đôi mắt. Rồi, chẳng mấy chốc sau, người Hoa kéo nhau đến. Ít nhất là sáu nhóm.
Những người tham gia Lễ giật đồ trông rất háo hức và nôn nóng chờ đến nửa đêm, lúc một thầy nho đập vỡ cái ang nước to. Khi ang nước vỡ, Lễ giật đồ bắt đầu.
Tôi hoàn toàn thờ ơ với những người tham gia Lễ giật đồ ấy. Những người đang trong tư thế chuẩn bị, trông cứ như vận động viên chạy nước rút đang tiến tới vạch xuất phát để sẵn sàng cuộc đua một trăm mét. Mọi cặp mắt thèm thuồng nhìn chăm chăm vào mấy đống đồ đầy ú trên bàn. Thật hồ hởi. Cũng thật là một cám dỗ khó cưỡng giữa cuộc mưu sinh vất vả của họ.
Tôi không màng đến bất kỳ cái gì đang diễn ra xung quanh, vì tâm trí của tôi chỉ tập trung vào mỗi A Ling. Cô có thể ở đâu nhỉ? Chẳng lẽ cô không biết rằng trái tim tôi đang hối hả đập đến là khốn khổ vì tôi muốn gặp cô biết chừng nào hay sao?
Rồi tôi trông thấy những người Mã Lai. Họ đến lẻ tẻ thay vì đi thành từng nhóm, và tôi biết lý do tại sao. Đối với tôi, Lễ giật đồ không chỉ là một nghi lễ thông thường mà còn là một nơi thể hiện bản sắc văn hóa chứa đựng nhiều bài học bổ ích. Buổi lễ này giúp tôi tỏ tường hơn bản tính cộng đồng người của tôi - người Mã Lai - và bản tính con người nói chung.
Người Mã Lai, như thường ngày, gặp nhiều khó khăn trong việc tự tổ chức. Họ tất bật với những đấu đá nội bộ mang tính chính trị hơn là tập trung vào buổi lễ để giành chiến thắng. Họ căm ghét sự chỉ trích và rất hiếm khi muốn xem xét bản thân mình. Họ luôn giữ quan điểm khác nhau và cực kỳ vui sướng khi có cơ hội tranh luận bảo vệ ý kiến của mình. Cho dù mục đích cuối cùng đạt được thì cũng chẳng sao, miễn họ không mất thể diện trong suốt những cuộc tranh luận vụn vặt đó là được. Và có thể nói những người cứng đầu cứng cổ nhất và những người ít học nhất trong số họ thường đưa ra lý lẽ ầm ĩ và hùng hồn nhất.
Nếu người Mã Lai có thể thực sự tổ chức được một đội thì mỗi cá nhân riêng lẻ đều muốn mình là đội trưởng. Vậy nên rốt cuộc chẳng bao giờ họ làm thành một đội đoàn kết và kết quả là họ tự mình làm mọi thứ, lúc nào cũng đơn thương độc mã. Do thế, họ chỉ cố giành giật mang về nhà được toàn kẹo cây, vài gói bánh quy dừa, vài chiếc tất không đủ đôi, đôi ba cái đầu búp bê, vài quả dừa mà người Sawang chẳng thèm đếm xỉa, một máy bơm nước - hay nói chính xác chỉ là cái vòi - và những thân thể bầm giập lem luốc vì giành giật.
Nhưng nói lại lần nữa, tôi không quan tâm đến buổi lễ hay thói quen của những người tham gia. Mọi suy nghĩ của tôi dồn cả vào A Ling cho dù đã ba giò đồng hồ chậm chạp trôi qua trong tuyệt vọng.
Đột nhiên, mọi cặp mắt dồn vào một người dáng dong dỏng. Ông là người Sawang và rất được trọng vọng trong buổi lễ. Nhiều năm rồi, cộng đồng của ông giao cho ông nhiệm vụ đặc biệt là săn cho được cái túi fung fu: chiếc túi vải màu đỏ cực kỳ có giá trị. Tên ông là Bujang Ncas.
Ông xuất hiện mặc áo choàng đen, hệt như một võ sĩ. Một đứa nhỏ người Sawang đi theo sau cầm áo choàng cho ông khi ông nhập vào đội Sawang tham gia lễ.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian